Tỷ giá giữa Euro và USD thời gian qua giảm sâu và lần đầu tiên sau 20 năm, giá euro đang ngang bằng với USD.
Theo các chuyên gia Euro và USD “thủng đáy”, không chỉ vì USD mạnh lên, mà tự thân giá trị của euro cũng đang suy giảm do những vấn đề nội tại của nền kinh tế châu Âu .
Vào thời điểm 15h ngày 13/07 theo giờ Paris, đồng euro đã có lúc xuống thấp hơn đồng USD, với tỷ giá quy đổi khi đó là 1 euro chỉ đổi được 0,998 USD. Đây thực sự là một cột mốc lớn trong ngành tiền tệ bởi từ khi đưa vào lưu hành cách đây 20 năm, đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD.
Kể từ đầu năm 2022, đồng euro đã sụt giảm 12% giá trị. Nguyên nhân đến từ cả hai phía, đó là một mặt đồng euro yếu đi là sự phản ánh nỗi lo lắng về sự yếu kém của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone, mặt khác, cũng là do tác động tăng giá của đồng USD trong bối cảnh biến động to lớn về kinh tế và địa chính trị hiện nay.
Đầu tiên, việc đồng euro giảm sâu là do triển vọng kinh tế u ám của khu vực Eurozone. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang có những tác động hết sức tiêu cực đến các nền kinh tế châu Âu. Do cuộc xung đột này, giá năng lượng và các nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, đẩy lạm phát trong khu vực Eurozone lên mức trung bình 8,6%, cao nhất trong vài thập kỷ qua.
Tiếp đến, căng thẳng đối đầu với Nga khiến châu Âu tung ra nhiều lệnh trừng phạt kinh tế vô cùng nặng nề nhằm vào Nga và bị chính các lệnh trừng phạt này làm tổn hại, cụ thể là việc tìm cách chấm dứt việc nhập khẩu năng lượng của Nga buộc châu Âu phải đi tìm kiếm các nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn nhiều lần.
Hiện nay, châu Âu đang đứng trước nguy cơ rất lớn là bị Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt ngay từ thời điểm này bởi từ ngày 11/07, tập đoàn Gazprom của Nga đã tạm ngưng việc cung cấp khí đốt cho châu Âu do phải bảo trì đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1” trong thời gian từ 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên, trong ngày 13/07, Gazprom đã phát đi một cảnh báo rất đáng lo cho châu Âu rằng tập đoàn này không chắc có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Đây là kịch bản được nhiều nước châu Âu đánh giá là “ác mộng” bởi nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt ngay lập tức, chắc chắn nhiều nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức – cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, sẽ rơi vào suy thoái. Chính vì những lo ngại này mà giá trị của đồng euro sụt giảm mạnh trong vài ngày qua, để lần đầu tiên sau 20 năm ngang giá với đồng USD, thậm chí thấp hơn USD.
Hiện nay, hầu hết các nền kinh tế lớn trong Eurozone như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều đã đưa ra các dự đoán rất bi quan về tăng trưởng kinh tế năm nay. Hầu hết đều đã cắt giảm một nửa, thậm chí 1/3, dự đoán tăng trưởng so với trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Đó là nguyên nhân về phía châu Âu nhưng cũng cần phải kể đến việc đồng USD tăng giá trị do các chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong vài tháng qua, nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lên mức 2.00-2.25 điểm phần trăm và dự báo sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất lên tiếp ngay trong tháng 7 này khi trong ngày 13/07, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 06/2022 được công bố là 9,1%, cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Tương tự FED, Ngân hàng Anh quốc (BoE) cũng đã nâng lãi suất nhằm bảo vệ giá trị đồng bảng Anh. Vì thế, giá trị của đồng USD đã được nâng cao hơn đồng euro bởi so với Mỹ và Anh, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn chưa có động thái nào tăng lãi suất. Ngoài ra, do biến động địa chính trị lan rộng ra trên toàn thế giới sau xung đột Nga-Ukraine nên đồng USD cũng được coi là nơi trú ẩn an toàn hơn so với đồng euro, khi châu Âu là nơi hứng chịu rủi ro an ninh lớn nhất từ xung đột này.
Ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống
Đối với các doanh nghiệp châu Âu, việc đồng euro giảm giá có những tác động khác nhau. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu thì việc đồng euro sụt giảm giá trị sẽ mang đến nhiều thuận lợi hơn bởi khi đó giá sản phẩm bằng đồng euro sẽ có tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm niêm yết bằng đồng USD. Các doanh nghiệp lớn của châu Âu vốn nhiều năm qua hướng mạnh vào xuất khẩu ra ngoài thị trường châu Âu như hàng không, ô tô, hoá chất, hàng xa xỉ… sẽ là những bên được hưởng lợi.
Website: https://forexfactoryvn.com/
kênh: https://t.me/ExnessForexFactory
cre: fxstreet